3 cách khắc phục tình trạng điện thoại chạy chậm
Trong thời gian sử dụng điện thoại thông minh, sẽ có nhiều lúc điện thoại bạn trở nên “nặng nề, ì ạch”, gây ức chế và cực kỳ khó chịu. Bạn có biết những nguyên nhân nào khiến việc xử lý thông tin và vận hành thiết bị lại chậm chạp như thế không? Sau đây là một số trường hợp và cách xử lý cơ bản mà những người “mù công nghệ” vẫn có thể thực hiện.
1. Phiên bản cập nhật mới của ứng dụng không tương thích thiết bị
Không phải phiên bản cập nhật ứng dụng mới nào cũng nhẹ hơn, mượt hơn và ngốn ít tài nguyên hơn so với bản cũ, ví dụ ứng dụng Chrome trên điện thoại hiện tại đã chiếm 200 MB trong bộ nhớ, chưa kể dữ liệu và bộ nhớ đệm. Đó là lý do thỉnh thoảng, sau khi cập nhật phiên bản mới của một ứng dụng nào đó, bạn sẽ cảm thấy thiết bị có vẻ chạy chậm hơn và phản hồi lâu hơn.
Cách khắc phục
Bạn có thể giữ lại phiên bản cũ và không cập nhật bản mới, đồng thời, tắt tính năng tự động cập nhật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phiên bản cũ đó không tương thích với một số chức năng mới của ứng dụng hoặc có khi khách hàng, đối tác không thể đăng nhập được.
Một giải pháp khác là bạn hãy cài các phiên bản nhẹ hơn của ứng dụng, vừa đảm bảo được đầy đủ tính năng vừa ngốn ít bộ nhớ thiết bị. Bạn có thể thấy phiên bản Light này trên hầu hết các ứng dụng phổ biến như Facebook, Skype, Opera, Chrome…
2. Các ứng dụng chạy nền ngốn nhiều bộ nhớ
Những ứng dụng chạy nền này tuy bạn nghĩ đã tắt đi rồi nhưng chúng vẫn âm thầm ngốn tài nguyên và bộ nhớ thiết bị. Do vậy, hãy dừng những bộ hình nền động hoặc các widget vì đây là những ứng dụng làm cho thiết bị trở nên “ì ạch”.
Cách khắc phục
- Tắt tất cả hình nền động, widget và những ứng dụng không thực sự cần thiết.
- Gỡ các ứng dụng không dùng.
- Kiểm tra danh sách các ứng dụng chạy nền và tắt những ứng dụng không cần thiết.
Tất cả những điều này, bạn có thể thực hiện dễ dàng thông qua ứng dụng Greenify. Đây là công cụ hiển thị toàn bộ “sức khỏe” của thiết bị với những thống kê ứng dụng đang chạy nền, danh sách ứng dụng được cài đặt cùng những tùy chỉnh khác.
3. Thiết bị báo bộ nhớ đầy
Cho dù bạn có cài đặt hay lưu trữ bất cứ tập tin nào thì cũng cần đảm bảo để trống ít nhất 25% bộ nhớ trong để duy trì hiệu suất và tốc độ làm việc của thiết bị. Và nếu điện thoại bạn báo bộ nhớ đầy, hãy lưu ý đến dữ liệu lưu trữ và các ứng dụng cài đặt.
Cách khắc phục
Nếu thẻ nhớ SD có thể tháo rời, hãy chuyển các dữ liệu sang thẻ nhớ càng nhiều càng tốt, từ phim ảnh, nhạc, hình, podcast…đến ứng dụng và những nội dung khác để giải phong bộ nhớ trong. Với hình ảnh, bạn có thể chuyển sang lưu trữ trên Google Photo hoặc Google Drive, Dropbox…Ngoài ra, các bộ nhớ đệm để lâu đôi khi cũng tốn rất nhiều không gian, bạn cần lưu ý xóa sạch bộ nhớ đệm thường xuyên.
Với nhiệm vụ xóa tập tin thừa, giải phóng bộ nhớ thiết bị, CCleaner xứng đáng là công cụ trợ giúp điện thoại thông minh lý tưởng. Với ứng dụng này, bạn có thể kiểm soát các ứng dụng cài đặt, xem ứng dụng nào chiếm nhiều bộ nhớ, đồng thời phân tích và xóa sách các tập tin thừa, không cần thiết của thiết bị…
3 cách khắc phục trên hy vọng sẽ giúp được bạn xử lý các tình huống treo máy, chậm máy hoặc bộ nhớ đầy vốn thường gặp trong quá trình sử dụng điện thoại thông minh.
Nguồn: kozpost (Bài viết)
Greenify
Là công cụ giúp quản lý và thiết lập cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, Greenify cho phép người dùng đánh giá những ứng dụng nào ít sử dụng và đưa về trạng thái ngủ đông để tiết kiệm năng lượng. Ứng dụng không yêu cầu root máy.
CCleaner
CCleaner giúp tối ưu hóa sử dụng bộ nhớ để làm cho thiết bị chạy nhanh hơn và an toàn hơn. Ngoài ra, ứng dụng còn giúp giải phóng bộ nhớ RAM, ứng dụng đang chạy ngầm và phân tích các dữ liệu trên thiết bị để xóa bỏ những tập tin không cần thiết.